Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta hình thành cách đây 4,5 tỷ năm, nhưng hiện nay ngôi nhà chung của chúng ta đang trong tình trạng báo động vì bị hủy hoại bởi vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã gây ra rất nhiều thảm họa cho nhân loại, thiên tai xảy ra liên miên. Và ước tính ¼ nhân loại đang phải sống trong bầu không khí ô nhiễm.
Tương lai của chúng ta sẽ ra sao? Vậy nên vấn đề môi trường đã và đang là vấn đề cấp bách, là mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Và ở Việt Nam cũng vậy nhận thức rõ tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường. Một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao nhất là biện pháp tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường. Đó cũng là lý do mà hôm nay cô cùng các em sẽ tìm hiểu cuốn sách “Luật bảo vệ môi trường năm 2020” của nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2021 với giá bìa 50.000 đồng. Cuốn sách dày 278 trang, được in trên khổ 13 x 19 cm.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 Chương và 171 Điều, giảm 04 Chương và tăng 01 Điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Luật bảo vệ môi trường năm 2014 gồm 20 Chương và 170 Điều), cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 06 Điều, từ Điều 01 đến Điều 06 quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo vệ môi trường; chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường.
- Chương II: Bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên, gồm 04 mục, 15 điều, từ Điều 07 đến Điều 21,.
- Chương III. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Gồm 03 điều (từ Điều 22 đến Điều 24), cụ thể: chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
- Chương IV. Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Gồm 4 mục, 25 điều (từ Điều 25 đến Điều 49).
- Chương V. Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn; trong một số lĩnh vực, bao gồm 03 mục, 21 điều (từ Điều 50 đến Điều 71).
- Chương VI. Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác, bao gồm 06 mục và 19 điều (từ điều 72 đến Điều 89).
- Chương VII. Ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm 07 điều (từ Điều 90 đến Điều 96), quy định về: thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ tầng ô-dôn; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch; cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; Báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.
- Chương VIII. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, bao gồm 09 điều (từ Điều 97 đến Điều 105), quy định về: hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường; nguyên tắc xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh; quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị; nguyên tắc xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh; yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tiêu chuẩn môi trường; xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường; Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.
- Chương IX. Quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường, bao gồm 03 mục và 15 điều (từ Điều 106 đến Điều 120).
- Chương X. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường, bao gồm 02 mục và 15 điều (từ Điều 121 đến Điều 135).
- Chương XI. Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường, gồm 04 mục và 20 điều (từ Điều 136 đến Điều 154).
- Chương XII. Hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, bao gồm 02 điều (từ Điều 155 đến Điều 156), quy định về: nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
- Chương XIII. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, bao gồm 03 điều (từ Điều 157 đến Điều 159), quy định về: trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư.
- Chương XIV. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường, bao gồm 04 điều (từ Điều 160 đến Điều 163), quy định về: kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kiểm toán trong lĩnh vực môi trường; xử lý vi phạm; tranh chấp về môi trường; khiếu nại, tố cáo về môi trường.
- Chương XV. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ Môi trường, bao gồm 05 điều (từ Điều 164 đến Điều 168), quy định về: nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp.
- Chương XVI. Điều khoản thi hành, bao gồm 03 điều (từ Điều 169 đến Điều 171), quy định về: sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến bảo vệ môi trường; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp.
Với khẩu hiệu hành động: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", để trở thành những công dân tốt, các em hãy tích cực tìm hiểu các bộ luật của Việt Nam và giới thiệu đến bạn đọc nhé!