LỚP HỌC HẠNH PHÚC
“Lớp học Hạnh phúc là lớp học được xây lên đến từ trái tim biết cho đi yêu thương và chúng ta cũng sẽ nhận lại được quả ngọt từ sự yêu thương đó” … cuộc phỏng vấn của tôi với cô Bùi Nhung, giáo viên lớp 2A6, Trường Tiểu học Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) đã kết thúc nhưng suốt quãng đường về, tôi tự hỏi lại lòng mình: Mình đã thực sự có một trái tim biết cho đi yêu thương?
Từ Trường học hạnh phúc đến Lớp học hạnh phúc
Năm 2019, Bộ GD-ĐT đã chính thức phát động toàn quốc triển khai “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Thông điệp được Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra là các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo hãy thay đổi để hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện, với giá trị cốt lõi: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng”.
Theo cô Bùi Nhung, khái niệm “An toàn” ở đây được hiểu bao gồm cả về thể chất và tinh thần. Điều kiện đủ của nó là trường học cần có tối thiểu những cơ sở vật chất, nhân lực để bảo đảm an toàn cơ bản. Tuy nhiên, điều kiện đủ lại là an toàn về tinh thần. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà giáo của chúng ta còn thiếu kĩ năng sống, chuyên môn chưa tốt khiến họ lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Giải pháp ở đây, theo Cô chủ nhiệm lớp 2A6, Trường Tiểu học Hữu Hòa đơn giản là: “Hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình. Hãy làm cho mỗi lớp học, mỗi ngôi trường thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui”.
Cũng từ đó, môi trường học đường chỉ có thể có hạnh phúc nếu các mối quan hệ được xây dựng và thực thi dựa trên yêu thương. Yêu thương bắt đầu từ sự thấu hiểu, chia sẻ với người khác mà không phải là sự ích kỉ, đơn phương thực hiện, nhưnghiện nay, các yếu tố kinh tế, về lợi ích cá nhân, những khó khăn rình rập đời sống của mỗi người, mỗi gia đình đã khiến cho việc quan tâm lẫn nhau, làm việc cùng nhau, vì nhau đang có phần bị xem nhẹ. Để xây dựng một nhà trường trong tình yêu thương đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người, cô Bùi Nhung chia sẻ: “Có thể ngày hôm nay, đời sống của đại đa số những thầy cô giáo như chúng ta vẫn còn khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng, với hai chữ nhà giáo trên vai, chúng ta sẽ luôn luôn phấn đấu và cố gắng hết mình để xứng đáng với sứ mệnh cao cả đó phải không các thầy cô?”
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo chúng ta phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của mình trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, ứng xử nhân văn để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo.
Chia sẻ với tôi, cô Bùi Nhung cho biết rất tán thành với ba giá trị cốt lõi mà Bộ GD&ĐT đã lựa chọn, tuy nhiên, cô cho rằng, mỗi một người giáo viên sẽ có cách để tạo nên một lớp học hạnh phúc theo cách của riêng mình. “Lớp học Hạnh phúc là lớp học được xây lên từ trái tim biết cho đi yêu thương và chúng ta cũng sẽ nhận lại được quả ngọt từ sự yêu thương đó. Tôi hy vọng rằng chúng ta cùng dũng cảm nhìn nhận, chia sẻ, trao đổi thẳng thắn quan điểm, suy nghĩ của mình để cùng bắt tay đồng hành với nhau trên hành trình xây dựng “Lớp học hạnh phúc – trường học hạnh phúc”. Trường học hạnh phúc –chỉ được tạo bởi các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thầy cô có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm tận lực với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp….
Mọi việc không khó nếu được xây bằng trái tim yêu thương
Nhớ lại những ngày đầu hưởng ứng phong trào tham gia xây dựng Lớp học hạnh phúc- Trường học hạnh phúc, cô đã nhận ngay một khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua: Covid 19. Lớp 2A6 có 36 học sinh nhưng năm học 2019-2020 các em học lớp 1 bị ảnh hưởng dịch covid 19 nên các em ít có thời gian, cơ hội gặp gỡ thầy cô, bạn bè trên lớp. Điều đó đã làm cho các em có một tâm lý chúng là còn rụt rè, nhút nhát, nhiều em chưa tự tin nên nói rất nhỏ. Việc bầu ban cán sự lớp cũng ít em xung phong mà phải để GV tự đề bạt các chức danh để kiện toàn. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn có học sinh vi phạm nội quy như: đi học muộn, đến lớp mới ăn sáng... Trong các giờ học, HS trật tự nhưng không hào hứng mạnh dạn...
Để các em thật sự hào hứng khi đến trường, cô Bùi Nhung đã mạnh dạn áp dụng chế độ thưởng hoa. Hoa phần thưởng này được trao cho các em khi thực hiện tốt nội quy; làm được việc tốt, kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo; hăng hái phát biểu xây dựng bài, làm bài đúng, trình bày, chữ viết sạch.
Để các con thực sự gắn bó với nhau như trong một gia đình,Cô giáo Chủ nhiệm 2A6 tổ chức cho các con thi đua chăm sóc công trình măng non, mỗi tổ 1 chậu cây do gia đình PH trong lớp tặng, các con rất thích thú và chăm sóc nhiệt tình. Học sinh đều cảm nhận rõ một trách nhiệm phải chăm sóc cây đẹp hơn, xanh hơn các tổ khác nên cùng nhau chăm sóc, bảo vệ cây của tổ mình một cách nhiệt tình.
Mới đây, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, cô Bùi Nhung tổ chức cho các con tự làm thiệp tặng Mẹ. Những bàn tay non nớt, những ý tưởng lạ của các con đều được cô hoan nghênh, hỗ trợ các con hoàn thành. Lớp học hôm đó vui như ngày hội, các con đều hào hứng, nỗ lực hoàn thành tấm thiệp của mình để về tặng Mẹ khi hết giờ học.
Cô Bùi Nhung tâm sự: “Tôi luôn tổ chức cho các em tổng kết thi đua vào cuối tuần, cuối tháng để hs có cơ hội đổi hoa lấy quà. Điều này khiến các em luôn cố gắng phấn đấu, chăm ngoan và học giỏi hơn mỗi ngày để được nhận hoa và quà. Mỗi một bông hoa tôi phát các em vui 1 thì PHHS lại cảm thấy vui 10, cảm thấy ấm lòng hơn mỗi khi con nhỏ vui mừng khoe “Hôm nay con được tặng hoa vì con ngoan, con viết đẹp, con đọc to... rồi con lại được đổi quà...”
Bằng sự thay đổi đó, cô Chủ nhiệm lớp 2A6 nhận thấy càng ngày các em càng ngoan và có ý thức tự chủ quản hơn. Các em nhỏ là vậy rất ngây thơ và hồn nhiên nên thầy cô hãy thường xuyên dùng công thức “khen” trước “chê” sau, nghĩa là, dù tồi tệ đến đâu, cố gắng tìm ra vài điểm tích cực để khen. “Khi là một giáo viên, điều dễ dàng nhất với chúng ta đó là yêu học sinh. Khi đó, chúng ta sẽ mang được những điều tốt đẹp vào bài giảng. Chỉ cần nhìn vào các em, mỗi thầy cô sẽ thấy có động lực làm việc, thấy còn nhiều việc để làm có ý nghĩa”. Hiểu được điều đó nên các cuộc thi do nhà trường tổ chức cô Nhung đều vận động và tạo điều kiện cho HS tham gia để các phụ huynh có cơ hội gắn kết, thống nhất, thêm thấu hiểu nỗi vất vả của cô trò, từ đó thêm tin yêu và mong muốn được giúp đỡ lớp nhiều hơn.
Ngành Giáo dục đang triển khai chương trình GDPT mới, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải chuyển mình để đổi mới.“Hạt nhân cốt lõi của giáo dục là đạo đức. Bởi vì mục tiêu đào tạo của chúng ta là con người, là hoàn thiện nhân cách, cho nên dạy chữ, dạy nghề để dạy người”, đây cũng là điều mà cô Nhung rất quan tâm.Cô Nhung chia sẻ với tôi, cô luôn tâm đắc một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một câu nói bao hàm tất cả những giá trị và vị ngọt hướng gửi đến những ai làm về giáo dục: “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.
Chia tay tôi, cô Nhung mong muốn những chia sẻ của mình sẽ góp phần nhỏ bé vào quyết tâm “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” của ngành giáo dục.Qua Tạp chí Thanh niên, cô cũng muốn gửi lời Chúc tới các đồng chí cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, những đồng nghiệp tôi luôn vui khỏe, và luôn luôn hạnh phúc, bởi chúng ta có hạnh phúc chúng ta mới lan tỏa hạnh phúc tới những người xung quanh, mới làm cho ngôi trường của mình hạnh phúc.